Tuyển sinh 2024: Xét tuyển đại học sớm liệu có "lợi bất cập hại"?

19/03/2024 13:33

Mùa tuyển sinh đại học 2024 đang đến gần, các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra một số nguyên tắc xét tuyển quan trọng thí sinh cần lưu ý.

Những lưu ý quan trọng xét tuyển sớm

Xét tuyển sớm là thí sinh tham gia xét tuyển đại học bằng các phương thức như học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, chứng chỉ ngoại ngữ, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng không bao gồm phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Những năm gần đây, rất nhiều thí sinh lựa chọn hình thức xét tuyển sớm để giảm áp lực, tăng cơ hội trúng tuyển, hưởng ưu đãi nhập học, đồng thời là cơ hội để cơ sở đào tạo tuyển được những sinh viên có chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Thông tin trên Lao Động đến thời điểm hiện tại, hơn 100 trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024 với thông báo thời gian và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển sớm.

Cụ thể, Học viện Nông nghiệp thông báo tuyển 5.991 chỉ tiêu cùng với 4 phương thức xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp, học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng.

Trước đó, hàng loạt trường đại học top đầu như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Tp.HCM; Trường Đại học Luật Tp.HCM; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... cũng thông báo xét tuyển học bạ THPT năm 2024.

Giáo dục - Tuyển sinh 2024: Xét tuyển đại học sớm liệu có 'lợi bất cập hại'?

Ảnh minh họa.

Xét tuyển đại học sớm có "lợi bất cập hại"

Bên cạnh những lợi ích mà xét tuyển sớm mang lại cho thí sinh và các trường đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT lo ngại thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp. Do đó, việc xét tuyển sớm dự kiến sẽ được điều chỉnh từ năm 2025.

Trao đổi với báo Tiền Phong Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho hay các trường ĐH trong năm vừa qua vẫn sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến sự nhiễu thông tin, có những phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc không có thí sinh nào trúng tuyển. Việc sử dụng nhiều phương thức nhưng chưa có cơ sở phân tích đối sánh, chưa có cơ sở khoa học nên chưa đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Theo bà Thủy, nhiều trường ĐH đang đua nhau xét tuyển sớm (xét tuyển trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT và không sử dụng kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT) nhưng con số thống kê những năm trước cho thấy chưa đến 40% thí sinh trúng tuyển sớm quyết định nhập học, tỉ lệ còn lại là trúng tuyển ảo.

Đứng ở góc độ cơ sở giáo dục ĐH, PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng xét tuyển sớm có ưu điểm là tạo sự yên tâm cho người học nhưng hơi khó dự báo cho các trường ĐH.

Năm 2025 Bộ nên xem xét lại việc xét tuyển sớm, nên chăng chỉ dành cho các trường tuyển sinh ngành năng khiếu.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng xét tuyển sớm có ưu điểm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải tâm lý cho thí sinh và cho các trường, nhưng mặt trái không ít.

Theo đó, ông Sơn nhấn mạnh đến sự thiếu công bằng khi sử dụng các phương thức xét tuyển sớm. Ông Sơn nêu ví dụ thực tế một ngành nào đó có 100 chỉ tiêu, trong đề án, trường xác định dành 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Nhưng do phương thức này không lường trước được tỉ lệ ảo nên có khi tỉ lệ trúng tuyển vượt gấp nhiều lần, dẫn đến không còn chỉ tiêu dành cho phương thức xét khác dẫn đến điểm chuẩn có thể nhảy vọt.

Thứ trưởng Sơn nhìn nhận đây là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, chưa có minh chứng thuyết phục về sự bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh và giữa các tổ hợp xét tuyển.

Theo ông Sơn, sở dĩ nó thiếu công bằng bởi các trường đều bị khống chế về chỉ tiêu, trong khi vì xét tuyển sớm mà các trường buộc phải tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều do không xác định được số ảo, sau đó lại phải trừ đi chỉ tiêu của các phương thức khác.

Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, việc thí sinh tham gia vào xét tuyển sớm không có nghĩa các em đã chắc suất, có được tấm vé vào đại học.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh lớn TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng nhận thấy, thí sinh phải thận trọng khi tham gia xét tuyển sớm.

"Việc nộp hồ sơ xét tuyển sớm là cơ hội nhưng nếu lựa chọn không chính xác, không hội tụ mọi yếu tố về đam mê, năng lực, cơ hội phát triển bản thân thí sinh sẽ mất phương hướng. Ngoài ra, thí sinh cần lắng nghe thêm ý kiến của gia đình trong việc lựa chọn ngành học phù hợp", ông Khuyến nói.

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hoá (Hà Nội), thí sinh vẫn có thể trượt các nguyện vọng xét tuyển sớm nếu các em không đáp ứng đủ điều kiện của trường.

"Sau khi đủ điều kiện trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đảm bảo các điều kiện để trúng tuyển chính thức. Kết quả trúng tuyển sớm chỉ là tạm thời, không phải là trúng tuyển chính thức. Dù trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, các tiêu chí phụ khi xét tuyển là điều thí sinh cần lưu tâm", PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, thí sinh cần cân nhắc khi tham gia xét tuyển sớm.

"Dù thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng vẫn phải vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT, thậm chí là phải có kết quả tốt để có thêm cơ hội lựa chọn. Việc trúng tuyển sớm cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi theo khảo sát, có nhiều thí sinh cùng lúc xét tuyển nhiều trường và cũng có thí sinh xét tuyển nhiều đợt dẫn đến trúng tuyển một lúc nhiều lần, mang tâm lý phân vân", ông Nhân lưu ý.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Tuyển sinh 2024: Xét tuyển đại học sớm liệu có "lợi bất cập hại"?" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).