Từng có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời phụ huynh gói "đầu tư giáo dục"

10/04/2024 13:38

Thời gian qua, câu chuyện huy động vốn của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Muôn kiểu "chào mời" phụ huynh học sinh

Cuối tháng 3/2024, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Công an xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.

Trao đổi với báo Giao Thông, đại diện nhóm gần 200 người đã đóng tiền cho Shark Thủy theo hình thức góp vốn lấy lãi suất cho biết, tổng số tiền nhóm này nộp là gần 250 tỷ đồng.

Theo đó, đầu năm 2020, biết tin Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn từ 19-20%/năm, nhiều người đã không ngần ngại "xuống" tiền. Đại diện nhóm này thừa nhận, họ nhanh chóng "chọn mặt gửi vàng" phần vì tin tưởng vào danh tiếng, uy tín của Shark Thủy thông qua chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank" trên VTV, phần vì mức lãi suất quá hấp dẫn.

Tương tự, dù không góp vốn theo hình thức nhận lãi, nhưng hàng chục ngàn phụ huynh cũng rơi vào cảnh khốn khó khi nộp tiền cho con học tại Apax Leaders (công ty con của Egroup do Shark Thủy là Chủ tịch HĐQT). Đây cũng được cho là một hình thức huy động vốn từ Shark Thủy.

Ông Trần Văn Nghiêm, đại diện nhóm phụ huynh đi đòi nợ học phí Apax Leaders cho biết, nhiều người trong nhóm ông đã đóng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để cho con học tại Apax Leaders.

Với chiêu thức đóng càng nhiều ưu đãi càng cao, nhiều phụ huynh đã chấp nhận vay mượn, trả lãi hằng tháng. Đến nay, hơn một năm trôi qua, Shark Thủy nhiều lần cam kết trả phí nhưng thất hứa. Cho đến khi bị bắt, Apax Leaders vẫn nợ phụ huynh tại TP.HCM gần 100 tỷ đồng.

Khi các vụ việc liên quan đến Shark Thủy chưa có hồi kết, việc huy động vốn tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN, huyện Nhà Bè, Tp.HCM) lại nổi lên, khiến dư luận sửng sốt.

Giáo dục - Từng có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời phụ huynh gói 'đầu tư giáo dục'

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại huyện Nhà Bè, Tp.HCM. Ảnh: AISVN

Thông tin trên Dân Việt, AISVN đã huy động vốn từ phụ huynh với số tiền ít nhất là 3.600 tỷ đồng bằng hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư không tính lãi suất. Khi phụ huynh tham gia hình thức này, con họ sẽ được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn phí tại trường trong thời gian học chương trình chính khóa. Sau khi học sinh hoàn thành khóa học hoặc chuyển trường, phụ huynh được cam kết nhận lại tiền sau 90 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ.

Giáo dục - Từng có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời phụ huynh gói 'đầu tư giáo dục' (Hình 2).

Một buổi họp giữa phụ huynh và Hội đồng AISVN hồi tháng 10/2023 sau khi trường xảy ra lùm xùm về vấn đề tài chính. Ảnh: Chân Phúc/báo Lao Động.

Hợp đồng là vậy, nhưng rất nhiều phụ huynh chưa lấy lại được tiền đã góp vốn dù con cái đã hoàn thành khóa học vài năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhà trường còn phải tạm cho học sinh nghỉ học vì không đủ tiền chi trả lương, bảo hiểm xã hội... cho giáo viên nên giáo viên không tới trường giảng dạy.

Tính tới ngày 3/4, AISVN đã tạm có phương án ổn định lại trường lớp, cho học sinh đi học bình thường.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án trước mắt. Nhiều phụ huynh vẫn như "ngồi trên đống" lửa, bởi không biết trường sẽ duy trì đường dài như thế nào, nếu bị đình chỉ hoặc chuyển giao cho chủ đầu tư khác, liệu số tiền họ đầu tư có được an toàn?

Loạn các "gói đầu tư" trường quốc tế

Thực tế, không chỉ tại AISVN, các gói đầu tư giáo dục đã khá quen thuộc với nhiều trường quốc tế ở Việt Nam.

Chẳng hạn, Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) có gói đầu tư trị giá 2 tỷ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỷ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford.

Theo nhà trường, với gói đầu tư đóng một lần, gia đình nhận lại 100% học phí sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tại UTS và phụ huynh không phải lo về học phí trong suốt 12 năm học.

Thông tin trên Tuổi Trẻ, hệ thống trường ICS cũng áp dụng một chương trình đầu tư giáo dục cho năm học hiện nay 2023 - 2024. Phụ huynh đóng 100% mức học phí cho 9 năm học, bao gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS, ngay trong năm học đầu tiên (khoảng 1,2 tỷ đồng cho lộ trình tích hợp học quốc tế Oxford). Phụ huynh được cam kết hoàn trả 80% học phí sau khi con hoàn thành 9 năm học, tức hơn 1 tỷ đồng.

Ông Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC), nói mặc dù học phí trường học được thu theo nghị định 81 của Chính phủ, nhưng thực tế điều hành các trường quốc tế vẫn là một công ty.

Vì vậy theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các công ty này có thể huy động vốn, nên sinh ra các gói đầu tư giáo dục, hợp đồng góp vốn. Một hình thức "trả lãi" của các gói này là học sinh được miễn hoặc giảm học phí.

Thực tế, so với nhiều ngành nghề khác, các trường tư thục nhận được sự tin tưởng hơn từ phía phụ huynh khi huy động vốn. "Họ tin vào môi trường giáo dục, nhìn vào cơ sở vật chất khang trang để đầu tư", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét.

Có ý kiến đề xuất cấm "các gói đầu tư vào giáo dục", nhưng ông Huân cho rằng khó, không hợp lý và thiếu khả thi. Việc huy động vốn dựa trên nguyên tắc tự nguyện phụ huynh và nhà trường, không cấm được. Đồng thời, khi các trường sử dụng đúng mục đích, tạo tính ổn định đường dài thì sẽ có lợi cho phụ huynh.

Ngay trước vụ việc tại AISVN, vào tháng 8/2023, Trường quốc tế Green Shoots ở Tp.Hội An, Quảng Nam bất ngờ thông báo đóng cửa. Nhiều phụ huynh cho biết họ đã đóng các gói "đầu tư giáo dục" cho con với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng đột nhiên trường "bốc hơi", chủ trường ôm học phí về nước.

Theo thống kê của chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời gói "đầu tư giáo dục" cho phụ huynh đóng học phí trước 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 12 hoặc 15 năm. Đổi lại, phụ huynh được hưởng học phí thấp hơn mức đóng lẻ từng năm, có thể giảm học phí từ 20%, 40% hoặc cao hơn.

Có những gói đầu tư giống như "vay vốn" của phụ huynh. Cụ thể, phụ huynh đóng vào trường một khoản tiền trong 12 năm, trong suốt thời gian đó học sinh được học miễn phí, hết 12 năm trường hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng. Gọi là đầu tư vì xét về mặt tài chính, số tiền lãi đã được dùng để chi trả tiền học cho học sinh.

Nguyên hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 7 (TP.HCM) nêu bài toán: Giả sử một trường quốc tế có 1.000 học sinh. Khoảng 1/5 phụ huynh, tức 200 người, tham gia gói đầu tư này, trung bình mỗi gói khoảng 5 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền trường quốc tế này huy động được đã lên đến 1.000 tỷ đồng.

"Đây rõ ràng là một số tiền lớn nên rất cần có cơ chế để ngăn ngừa trường hợp nhà trường tư lợi dụng hoặc sử dụng số tiền huy động sai mục đích", vị này nói.

Minh Hoa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Từng có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời phụ huynh gói "đầu tư giáo dục"" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).