Giá vàng trong nước "nhảy múa", tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng

10/04/2024 19:37

Chiều 9/4, giá vàng miếng SJC trong nước tăng phi mã, thiết lập mức đỉnh mới trên 84,82 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Theo VietnamPlus, tại thời điểm 18h, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh từ 82,80-84,80 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và Đà Nẵng chiều mua vào/bán ra từ 82,80-84,82 triệu đồng/lượng, tăng 1,8 triệu đồng/lượng so với sáng nay.

Mức giá 82,8-84,8 triệu đồng/lượng cũng được Công ty Vietnam Gold niêm yết vào cuối ngày giao dịch, trong khi Công ty Doji niêm yết giá vàng SJC từ 82,50-84,70 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ trong ngày hôm nay, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 2,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch chiều mua vào/bán ra được các doanh nghiệp giữ trong khoảng từ 2.000.000-2.600.000 đồng/lượng.

Cùng diễn biến trên, giá vàng nhẫn tròn trơn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 2,25 triệu đồng/lượng, lên mức 75,88-77,48 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Chênh lệch chiều mua vào/bán ra nới rộng lên mức 1,6 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Giá vàng đang tăng phi mã trong khi sáng cùng ngày mỗi lượng vàng chỉ tăng 300 - 400 nghìn đồng; vàng nhẫn tăng từ 100-250 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Đặc biệt giá vàng miếng SJC liên tục phá vỡ các kỷ lục từ 82,72 triệu đồng/lượng lúc 9h30 sáng lên 82,9 triệu đồng/lượng lúc 11h và 83,52 triệu đồng/lượng lúc 11h50. Đến 17 giờ, giá vàng miếng SJC đạt đỉnh mới 84,82 triệu đồng/lượng, tương tự vàng nhẫn ở mức 77,85 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Theo các chuyên gia tài chính, giá vàng nhẫn nói riêng và giá vàng nói chung tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây đầu tiên là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử.

Lý giải về giá vàng nhẫn tăng cao liên tục trong những ngày qua, chia sẻ trên VOV, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, do chúng ta siết lại việc quản lý vàng và xử lý một số vụ buôn lậu vàng, trong khi thời điểm này chưa cho nhập vàng chính ngạch, khiến nguồn cung vàng trong nước càng khan hiếm, từ đó đẩy giá tăng cao và nhanh so với biên độ tăng của thế giới.

“Để rút ngắn chênh lệnh giá vàng và giải quyết “cơn khát vàng” trong nước như hiện nay, đầu tiên phải cho nhập khẩu vàng chính ngạch trở lại. Chúng ta không cho hoặc hạn chế nhập khẩu vàng chính ngạch, vàng cũng sẽ len lỏi thông qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta nhập khẩu vàng với hạn mức nhất định, dựa trên thặng dư của ngoại tệ và cán cân thương mại”, TS Nguyễn Hữu Huân nêu ý kiến.

Theo thời báo VTV, trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên mức 2.345,09 USD/ounce vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.353,79 USD/ounce vào ngày 8/4. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,5% lên 2.363,50 USD/ounce.

Giá vàng tiếp tục chạm mức kỷ lục mới, đạt mức cao chưa từng có trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ và căng thẳng địa chính trị tăng cao.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Abrdn, nói rằng đợt tăng giá của vàng lên mức cao kỷ lục mới chỉ là bắt đầu. Vấn đề là thời gian trước khi các nhà đầu tư bán lẻ nhảy vào thị trường và lúc đó kim loại quý này sẽ tiếp tục chặng chinh phục các mức kỷ lục.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều lạc quan về vàng. Theo Cố vấn cấp cao Bob Parker của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, các yếu tố hiện tại dường như đang vẽ nên một bức tranh giảm giá với vàng.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, kéo theo giá vàng trong nước cũng hạ. Do đó, thời điểm này, người dân có thể giữ vàng nhưng không nên quá ham "lướt sóng", bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại. Thay vào đó nên chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới và trong nước đều đang ở mức "đỉnh", rủi ro khá lớn.

Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới đầu tư KCM Trade, cho biết vàng đang được ưa chuộng trên thị trường tài chính, với hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và dòng chảy đầu cơ thường xuyên đẩy giá lên mức cao hơn.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát của nước này để tìm những tín hiệu mới về chính sách của ngân hàng trung ương này.

Trước tình hình giá vàng trong nước biến động mạnh, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; trong đó có yêu cầu quản lý mặt hàng vàng. Tại Nghị nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

T.M (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Giá vàng trong nước "nhảy múa", tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).