Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc, Thái Lan tăng mạnh

17/04/2024 18:37

Tính riêng 3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đáng chú ý, thị trường Hàn Quốc, Thái Lan tăng đột biến.

Theo báo cáo của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 ước đạt gần 470 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế quý I/2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.

Các thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Tiếp theo, thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng đột biến 112%.

Chia sẻ về kết quả đạt được với Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết kết quả này có được là do sự đóng góp của sầu riêng và thanh long nghịch vụ. Cùng với đó, tại thị trường Hàn Quốc, các cuộc xung đột địa chính trị, ảnh hưởng từ Biển Đỏ khiến nguồn trái cây từ Nam Mỹ, Trung Đông xuất khẩu qua Hàn Quốc bị gián đoạn. Giá cước vận tải tăng cao cùng với thời gian vận chuyển kéo dài khiến nguồn cung rau quả tại Hàn Quốc bị thiếu hụt. Do đó, Hàn Quốc đã tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam để bù đắp phần thiếu hụt này.

“Giá cước vận tải tăng gấp 2, thời gian vận chuyển tăng lên 40 ngày thay vì 25 ngày như trước khiến việc nhập khẩu rau quả từ Nam Mỹ, Trung Đông gặp khó. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD. Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao. Hiện Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc…

Tiêu dùng & Dư luận - Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc, Thái Lan tăng mạnh

Ảnh minh họa.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt mức kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022. Với đà tăng trưởng tốt từ các thị trường chủ lực, cùng những tin vui từ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm nay được tự báo có thể đạt 6-6,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, hiện nước ta có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỷ dân. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

Trước những lợi thế có được dự báo, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài giúp truy xuất nguồn gốc còn đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng. Đồng thời, xuất khẩu sầu riêng sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu

Thông tin trên báo Vietnamnet, Cục Bảo vệ thực vật đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng, rà soát lại các vùng trồng để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

Nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay, "vua trái cây” của Việt Nam sẽ mang về khoảng 3,5 tỷ USD. Tương tự, trái dừa hứa hẹn năm nay sẽ mang về từ 500-600 triệu USD.

Xuất khẩu thuận lợi, giá thanh long tăng vọt

Những ngày qua, người dân trồng thanh long trên cả nước vui mừng khi giá thanh long nghịch vụ liên tục ở mức cao. Ghi nhận tại nhiều vùng trồng thanh long ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận giá thanh long loại 1 ở mức trên 40.000 đồng/kg, loại 2 giá 35.000 - 38.000 đồng/kg, loại 3 từ 30.000 – 33.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Ông Lưu Văn Bình, nông dân trồng cây thanh long tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, thanh long hiện đang được giá, với thanh long loại 3, nhà kho thu mua giá 33.000 đồng/kg, sau sụt xuống 31.000 đồng/kg. Giá thanh long loại 2 giá 38.000 đồng/kg, loại 1 giá 43.000 đồng/kg, mỗi loại cách nhau 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn thu lãi gần 20.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam (Vina Fruit) cho biết, thông thường từ tháng 12 đến tháng 4, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thanh long để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, trong quý I/2024 nhu cầu mua thanh long để trưng vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Thanh minh khiến giá thanh long Việt Nam neo ở mức cao.

Cùng với đó, hiện nay diện tích thanh long trên cả nước cũng có xu hướng giảm do năm 2023 giá thanh long ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mít… Trong khi đó, tại các vùng trồng thanh long đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn khiến sản lượng thanh long suy giảm.

Hiện ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long Việt Nam còn xuất khẩu vào nhiều thị trường khác như Thái Lan, Campuchia , Australia, NewZealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, ông Nguyên cũng lưu ý, từ tháng 5 đến tháng 11, Trung Quốc sẽ vào vụ thu hoạch thanh long, do đó giá thanh long có thể sẽ giảm trở lại.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc, Thái Lan tăng mạnh" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).