Nắm giữ khách sạn Daewoo Hà Nội, doanh nghiệp "dưới trướng" bà Trương Mỹ Lan báo lỗ 3 năm liên tiếp

19/04/2024 15:35

Tính riêng lũy kế hết năm 2023, số lãi vay phải trả của Bông Sen là gần 151 tỷ đồng, số lãi phạt lên đến 911 tỷ đồng.

Công ty CP Bông Sen vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính cho năm 2023, với mức lỗ sau thuế đạt 668 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2022 khi lỗ 479 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 5.695 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu đạt 1,4 lần, tương đương với số nợ phải trả gần 8.000 tỷ đồng. Trong số này, dư nợ trái phiếu của Bông Sen lên đến gần 4.800 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty đạt gần 13.700 tỷ đồng.

Nắm giữ khách sạn Daewoo Hà Nội, doanh nghiệp
Chỉ tiêu tài chính của Công ty CP Bông Sen

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX), Bông Sen còn một lô trái phiếu đang lưu hành mã BSECH2122003 với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng. Lãi suất được công bố ở mức 10,5%/năm và được Công ty CP Chứng khoán TVSI lưu ký.

Tuy nhiên, do tài khoản bị phong tỏa, Công ty đã liên tục chậm trả tiền lãi của lô trái phiếu nói trên. Tính đến hết ngày 31/12/2023, số tiền lãi vay phải trả của Bông Sen là gần 151 tỷ đồng, số tiền lãi phạt lên đến 911 tỷ đồng.

Nắm giữ khách sạn Daewoo Hà Nội, doanh nghiệp
Lô trái phiếu BSECH2122003

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Bông Sen vào tháng 8/2023, công ty này đã thông tin đến cổ đông về tình hình thanh toán trái phiếu. Công ty cho biết hồ sơ phát hành trái phiếu đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Mục đích của việc phát hành trái phiếu trị giá 4.800 tỷ đồng là để hợp tác đầu vào dự án 152 Trần Phú. Bông Sen cho biết đã trả lãi cho 3 kỳ trước đó. Tuy nhiên, do đơn vị hợp tác đầu tư không thực hiện cam kết, việc trả lãi trái phiếu bị gián đoạn.

Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra về các vấn đề liên quan đến trái phiếu, trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Dòng tiền liên quan đến các trái phiếu cũng đang được Bộ Công an điều tra lại. Vì vậy, ban lãnh đạo đã xin ý kiến của cổ đông để phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu. Việc này sẽ được thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của Cơ quan điều tra vì hiện nay công ty không được phép thực hiện các thay đổi về tài sản.

Công ty cam kết sẽ thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản theo kết luận của Bộ Công an, nếu được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Trong các văn bản gần đây từ Cơ quan điều tra, Bông Sen được liệt kê trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa có kết luận chính thức.

Trong Đại hội, lãnh đạo Bông Sen cũng đã xin ý kiến biểu quyết của cổ đông để chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định của Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả. Công ty đã phải báo cáo thống kê tất cả các khoản thu chi và dòng tiền hoạt động cho Bộ Công an kiểm tra. Tất cả dòng tiền đi ra phải chuyển vào tài khoản được quy định, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra bình thường.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Bông Sen tiền thân là thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), sở hữu nhiều bất động sản đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội. Vào ngày 27/12/2004, Bông Sen chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty CP với vốn điều lệ ban đầu là 130 tỷ đồng.

Sau hơn 15 năm phát triển, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên khoảng 5.000 tỷ đồng, với hàng loạt nhà hàng và khách sạn hạng sang tại TP.HCM. Kể tên một số địa điểm như Khách sạn Palace Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Annex, Nhà hàng Lemongrass, Nhà hàng Buffet Gánh, Nhà hàng Lion, và Nhà hàng Vegetarian...

Trong đó, Khách sạn Palace Sài Gòn nằm tại số 56-66 Nguyễn Huệ, một trong những con đường có giá đất cao nhất cả nước. Khách sạn này gồm 144 phòng đạt chuẩn quốc tế 4 sao. Chuỗi khách sạn Bông Sen Sài Gòn cũng rải dài trên số 117-123 Đồng Khởi thuộc quận 1 Tp.HCM, cùng với nhà hàng Bier Garden tại số 125 Đồng Khởi và nhà hàng café Brodard tại số 131-133 Đồng Khởi. Về mảng F&B, Bông Sen cũng là chủ quản của nhà hàng được biết nhiều là Café Brodard nằm ngay góc đường Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp, thay thế nhà hàng Bông Sen cũ.

Tại Hà Nội, vào năm 2015, Bông Sen đã chi hơn 3.600 tỷ đồng để mua lại 51% vốn của Daeha - một doanh nghiệp sở hữu tổ hợp khách sạn Daewoo Hà Nội và cao ốc văn phòng Daeha. Địa điểm này nằm tại số 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Được xem là một trong những khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, Đaewoo Hà Nội không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của thủ đô mà còn là điểm nhấn quan trọng trong hơn hai thập kỷ qua.

Trong một phiên tòa xét xử liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - đã xác nhận rằng Công ty Bông Sen là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình bà. Bà Lan cũng tiết lộ rằng gia đình bà sở hữu 73,4% cổ phần của Khách sạn Hanoi Daewoo. Tuy nhiên, theo bà Lan, tài sản này không thể được bán do vướng phải các vấn đề liên quan đến pháp lý, đặc biệt là về việc tài sản đã được sử dụng để phát hành trái phiếu trước đó.

Vi phạm công bố thông tin, Công ty CP Bông Sen bị UBCKNN xử phạt

Mới đây, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị ...

“Kẹt tiền” vì vụ án Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp sở hữu khách sạn Daewoo Hanoi bị phạt hơn 900 tỷ đồng tiền lãi

Do chậm trả lãi trái phiếu, Bông Sen - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phạt của gia đình bà Trương Mỹ Lan, ...

Điểm mới trong Nghị định 33/2024/NĐ-CP mà các doanh nghiệp ngành hóa chất cần biết

Tại Nghị định 33/2024/NĐ-CP ngày 27/3/2024 vừa được Chính phủ ban hành có nhiều điểm mới mà các doanh nghiệp ngành hoá chất cần lưu ...

Bạn đang đọc bài viết "Nắm giữ khách sạn Daewoo Hà Nội, doanh nghiệp "dưới trướng" bà Trương Mỹ Lan báo lỗ 3 năm liên tiếp" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).