Nhiều giáo viên mầm non bị nợ lương, phải “chạy ăn từng bữa”

Do nhiều tháng qua không được trả lương đầy đủ nên các giáo viên mầm non đang phải đối diện với nhiều khó khăn.

Mòn mỏi chờ lương

Cô H.B.H. là giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Mức lương và các chế độ phụ cấp kèm theo khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay, cô chưa được nhận lương. Trong khi đó, gia đình cô đang trong cảnh vất vả, khó khăn khi chồng không có việc làm ổn định, 2 con nhỏ.

“Thực ra, từ đầu năm 2022, chúng tôi đã bị chậm lương. Sau nhiều lần kiến nghị thì đến tháng 4/2022 mới được trả. Nhưng rồi, từ đó đến nay, chúng tôi vẫn chưa có lương những tháng tiếp theo. Do cuộc sống cả nhà phụ thuộc vào lương cố định của tôi, nên tôi phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải sinh hoạt”, cô H. nói.

Giáo dục - Nhiều giáo viên mầm non bị nợ lương, phải “chạy ăn từng bữa”

Huyện Tân Kỳ có 105 giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 và 09 đang bị chậm lương.

Ông Phạm Tân Phương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết, địa bàn hiện có 105 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06/2018, được hưởng lương từ nguồn ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018 đã hết hiệu lực vào tháng 12/2021. Từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2022, huyện đã trích ngân sách trả lương cho giáo viên.

“Từ tháng 5/2022 đến nay, huyện đang chờ triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Do đó, 105 giáo viên hợp đồng của huyện chưa có lương. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo các trường động viên, hỗ trợ để các giáo viên này tiếp tục đến lớp”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết.

Năm học 2021-2022, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cũng có hàng trăm giáo viên bị nợ lương từ 3-9 tháng. Để tạm thời giải quyết, phòng GD&ĐT giao cho trường mầm non chi trả lương cho giáo viên từ nguồn thu sự nghiệp và nguồn chi thường xuyên được cấp năm 2022. Song do nguồn thu quá nhỏ, nhiều trường chỉ có thể chi trả theo hình thức tạm ứng với số tiền 2 - 3 triệu đồng/tháng, hoặc chỉ chi trả được vài tháng hoặc chưa chi trả.

Ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương cho biết, việc giáo viên bị nợ lương đã ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy cũng như đời sống. “Nhiều giáo viên có hoàn cảnh rất đặc biệt, thực sự tôi hiểu và rất thương giáo viên vì đi dạy mà không có lương. Chúng tôi đã yêu cầu các trường giúp đỡ, động viên với những giáo viên này để chờ UBND tỉnh”, ông Tây cho biết thêm.

Nghệ An chi hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên chậm lương

Theo thống kê của sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng 2.508 giáo viên mầm non theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV của Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ (Thông tư 09).

Việc tuyển dụng này đã giúp Nghệ An giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non diễn ra trong thời gian dài. Thời gian qua, các địa phương cũng ưu tiên, từng bước tuyển dụng số giáo viên hợp đồng trên vào biên chế ở vị trí phù hợp khi được giao chỉ tiêu. Đến nay, Nghệ An còn khoảng 1.700 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo NĐ06.

Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2021, Nghị định 06 và Thông tư 09 hết hiệu lực, hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng bị dừng trả lương do ngân sách trung ương đã cắt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý, đời sống giáo viên, mà còn tác động đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non.

Việc bị chậm lương khiến một số giáo viên gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Để giải quyết, một số huyện, thị tạm trích một phần kinh phí để hỗ trợ giáo viên.

Giáo dục - Nhiều giáo viên mầm non bị nợ lương, phải “chạy ăn từng bữa” (Hình 2).

Tỉnh Nghệ An có hơn 1.700 giáo viên mầm non bị dừng trả lương.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, ngày 21/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc cấp kinh phí chi trả lương cho các giáo viên mầm non này.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định trích ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí phân bổ sau sự nghiệp giáo dục khối huyện bố trí tại Quyết định 5068/QĐ – UBND ngày 24/12/2021 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022 số tiền hơn 118 tỷ đồng để hỗ trợ cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022. Dự kiến cuối tháng 9, hoặc đầu tháng 10 các giáo viên sẽ nhận được số tiền này.

“Ngành giáo dục đang đôn đốc các địa phương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình sở Tài chính và trình UBND tỉnh thông qua danh sách để kịp thời chi trả lương cho các giáo viên. Trong thời gian sắp tới, các giáo viên mầm non theo diện 06 và 09 nếu đủ các điều kiện sẽ sớm được các địa phương xem xét để được tuyển dụng vào biên chế”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Tính đến 31/5/2022, toàn ngành giáo dục Nghệ An có tổng số 44.005 người, trong đó 3.441 cán bộ quản lý, 36.698 giáo viên và 3.866 nhân viên. Tuy nhiên, đây là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với trên 7.800 biên chế, trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non.

Link nội dung: https://www.tiepthiplus.vn/nhieu-giao-vien-mam-non-bi-no-luong-phai-chay-an-tung-bua-a62703.html