Gần 3.000 đĩa sứ Minh Long dùng trong tiệc trao sao Michelin

07/06/2023 16:23

Hà NộiMinh Long có bảy mẫu đĩa sứ được ban tổ chức chọn để bày trí bàn tiệc; tặng 400 đĩa Phù Điêu nhằm quảng bá văn hóa Việt, tại lễ trao sao Michelin ngày 6/6.

Những ngày đầu tháng 6, giới đầu bếp và người yêu ẩm thực mong chờ sự kiện đặc biệt - lần đầu tiên có nhà hàng Việt Nam được trao sao Michelin. Tại Minh Long, không khí chuẩn bị cũng tất bật khi nhiều sản phẩm được chọn dùng trong tiệc chiêu đãi Michelin Guide lần đầu tại Việt Nam.

Cơ duyên đến từ bốn tháng trước, khi ban tổ chức Michelin ngỏ lời mời Minh Long đồng hành cùng sự kiện. "Tôi đồng ý ngay", ông Lý Huy Sáng, Tổng giám đốc Công ty Minh Long nói. The Michelin Guide được ví như "Oscar" của ẩm thực thế giới. Khi đến Việt Nam, đây sẽ là một kênh quảng bá tự nhiên mà hiệu quả cho nền văn hóa dân tộc.

Ông Lý Huy Sáng nói về ý nghĩa của sao Michelin trước sự kiện. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Lý Huy Sáng nói về ý nghĩa của sao Michelin trước sự kiện. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo các chuyên gia ẩm thực, món ăn ngon là một trong những yếu tố giúp thu hút khách du lịch quay trở lại hiệu quả nhất. Xuất phát từ đam mê ẩm thực, nhiều du khách sẽ ở lại du lịch, nhờ đó thúc đẩy và mang đến sự phát triển bền vững, chắc chắn cho ngành công nghiệp này.

Ông Sáng cho rằng, sao Michelin còn như một "tiếng chuông" giúp các nhà hàng trong nước quan tâm hơn đến khâu trải nghiệm của khách đến thưởng thức, từ không gian, vệ sinh đến cách trình bày sao cho thẩm mỹ, tinh tế... Hoặc rộng hơn, nó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành nhà hàng - khách sạn như food stylist.

"Nhận được sao Michelin là may mắn cho đầu bếp, nhà hàng trong nước. Và với triết lý quảng bá văn hóa Việt, Minh Long sẽ trở thành 'hậu phương' để họ mang sản phẩm ra quốc tế", ông Lý Huy Sáng nhấn mạnh.

Gọi là hậu phương, bởi chén, đĩa, nồi Minh Long được ông định nghĩa "nâng thêm một cấp" cho món ăn. Trong đời sống hiện đại, thưởng thức một bữa ăn không chỉ dừng ở việc ngon đầu lưỡi, no chiếc bụng. Mà cao hơn, họ dùng cả năm giác quan để đánh giá. Bước vào nhà hàng cảm nhận không gian, ánh đèn; nhìn món ăn trang trí với màu sắc, bố cục ra sao; khi nếm, ngoài hương vị còn có âm thanh của nguyên liệu, hương thơm khiến thực khách nôn nóng cầm đũa.

Ông Lý Huy Sáng nói: "Đó là sự khác biệt của món ăn đạt đẳng cấp Michelin, tức người đầu bếp không chỉ thạo lửa, giỏi nếm mà còn biết cách bày trí để cùng là miếng thịt, con cá đó nhưng trải nghiệm ở một tầm khác biệt hoàn toàn".

Ông Lý Huy Sáng tại lễ trao sao từ Michelin Guide đêm 6/6. Ảnh: Hoàng Ngọc Huy

Ông Lý Huy Sáng (phải) chụp hình cùng đại diện Michelin tại sự kiện. Ảnh: Minh Long

Phân tích về cách nâng cấp cho trải nghiệm của thực khách, ông Sáng cho biết, trong dải gốm sứ có nhiều sắc thái: trắng, ngà và màu. Được ưa chuộng nhất tại nhà hàng là sứ trắng. Đồ sứ Minh Long đạt đến độ trắng, thuần khiết gần như cao nhất trong các sản phẩm gốm sứ hiện nay. Vì vậy khi đặt mọi nguyên liệu lên đó đều sẽ tôn bật món ăn.

Kế đến, thiết kế của các vật dụng có tính ứng dụng cao, phù hợp nhiều phong cách ẩm thực, Trong thời gian tới, Minh Long có thể cùng các nhà hàng hợp tác, thiết kế những dụng cụ mang tính "may đo" cho từng nhu cầu: gam màu tối hay rực rỡ, dáng cao hoặc thấp, lòng đĩa sâu hoặc nông hơn...

"Món ăn ngon không thể thiếu trình bày. Những dụng cụ đặc thù giúp người đầu bếp thêm thỏa chí, đưa ẩm thực tới đỉnh cao hơn, không còn giới hạn trong sáng tạo", vị Tổng giám đốc nói.

Ngoài gần 3.000 chiếc đĩa được đặt hàng từ ban tổ chức, Minh Long còn mang đến phần quà 400 chiếc đĩa Phù Điêu dành tặng khách tham dự. Chiếc đĩa như một bức tranh thu nhỏ về không gian êm đềm ở những làng quê từ Bắc vào Nam, các lễ hội đặc trưng, danh lam thắng cảnh nổi bật xứ Việt. Đây cũng là cách công ty mang văn hóa trong nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Món ăn được bày trí trên đĩa sứ Minh Long. Ảnh: Hoàng Ngọc Huy

Món ăn được bày trí trên đĩa sứ Minh Long. Ảnh: Hoàng Ngọc Huy

Michelin Guide ra đời hơn một thế kỷ trước. Hàng năm, các chuyên gia ẩm thực ẩn danh với vai trò là những thực khách sẽ đến các nhà hàng được lựa chọn để dùng bữa và chấm điểm các hạng mục: chất lượng nguyên liệu, kỹ thuật nấu, hương vị, cá tính của đầu bếp, sự ổn định theo thời gian.

Tại sự kiện ngày 6/6, nhiều hạng mục giải thưởng được trao, gồm Michelin Selected (danh sách nhà hàng được Michelin đề xuất), Bib Gourmand (danh sách quán ăn ngon với giá cả phải chăng), Michelin Guide Special Awards (hệ thống giải thưởng đặc biệt của Michelin), Michelin Stars (nhà hàng nhận Sao Michelin).

Tiếp tục nói về lý do đồng hành sự kiện, ông Sáng tự nhận mình "hảo ăn", lại làm trong ngành gốm sứ nên dành mối quan tâm đặc biệt cho ẩm thực và văn hóa Việt. Đây không phải lần đầu hãng đồng hành cùng một sự kiện liên quan ẩm thực. Cách đây 10 năm, công ty đã tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng nhằm quảng bá, nâng tầm món Việt. Đơn vị còn gắn liền nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế như 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội nghị ASEAN 17, APEC 2017, ASEAN 2020...

"Sản phẩm gốm sứ không chỉ nằm ở yếu tố vật lý như đường nét, thiết kế mà còn là một hành trình trải nghiệm. Cầm một chiếc ly, cái chén vẫn có thể cảm nhận văn hóa Việt Nam, cảm nhận sự hạnh phúc, đó là điều mà tôi muốn hướng tới trong sự kiện này cũng như ở tương lai", ông Sáng nói.

Thảo Nguyên

Bạn đang đọc bài viết "Gần 3.000 đĩa sứ Minh Long dùng trong tiệc trao sao Michelin" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).