Cần ưu tiên cung ứng thịt từ các nhà máy giết mổ công nghiệp

09/06/2023 16:24

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, sau 2 tháng triển khai hoạt động, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đa số đã đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y với số lượng giết mổ ổn định. Tuy nhiên, các nhà máy này vẫn chưa đạt yêu cầu về công suất thiết kế nên việc cung ứng thịt nóng cho thị trường cũng giảm nhẹ. 

Chú thích ảnh Các lò mổ công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang tìm cách hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt nóng của người dân. 

Đảm bảo an toàn vệ sinh khi giết mổ

Ghi nhận tại nhà máy của Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi), đây là 1 trong 5 nhà máy công nghiệp về giết mổ gia súc, hiện đã hoạt động đủ 6 dây chuyền giết mổ. Mỗi ngày, từng đoàn xe tải lạnh chờ lấy thịt lợn mảnh để đưa ra chợ đầu mối.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ cho biết, để phục vụ nhu cầu cung cấp thịt lợn nóng tại địa bàn, đơn vị đã đầu tư hơn 700 tỉ đồng cho nhà máy (tính đất, tiền lãi vay, cơ sở vật chất...). Tuy nhiên, để thu hút thương lái, trong ngày đầu vận hành, công ty quyết định lấy giá giết mổ thủ công trước đó (tại cơ sở Xuyên Á) nên lượng lợn đưa về trong ngày đạt 2.000 con, thấp hơn so với công suất thiết kế là 3.000 con/ngày.

"Cơ bản, nguồn thịt lợn không sụt giảm quá nhiều như nhận định ban đầu nhưng vẫn thấp hơn so với lượng giết mổ thủ công trước đó. Vì vậy, đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp thu hút thêm nhiều đối tác mới để tăng công suất giết mổ mỗi ngày cho cơ sở", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nói. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc giết mổ công nghiệp có nhiều lợi ích trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi cho thực phẩm tươi sống, đồng thời giúp nâng cao chất lượng thịt lợn so với giết mổ thủ công trước đó. Vì vậy, tại các nhà máy có dây chuyền giết mổ treo - công nghiệp hóa là đa phần tự động hóa, tránh tiếp xúc giữa công nhân và thịt lợn.

Chú thích ảnh Việc giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thịt tươi sống.

Tương tự, tại Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty cổ phần (CTCP) chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), những ngày này công nhân cũng đang tấp nập làm việc khi toàn bộ 5 dây chuyền khu giết mổ công nghiệp đều được đưa vào hoạt động. Đại diện CTCP chế biến thực phẩm Hóc Môn cho biết, lượng lợn đưa về cơ sở khoảng 1.500 con và khả năng sẽ giết mổ hết, tùy vào khả năng tiêu thụ ở chợ đầu mối. Lượng này tương đương so với lượng giết mổ thủ công ngày trước. Tuy nhiên, để giữ sản lượng, không để lợn từ các đơn vị đối tác chuyển về các tỉnh lân cận giết mổ thủ công nên tạm thời đơn vị vẫn lấy giá gia công bằng với giết mổ thủ công trước đó (gần 45.000 đồng/con).

Liên quan đến tình hình hoạt động của lò giết mổ gia súc công nghiệp, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, trước khi đưa vào giết mổ công nghiệp toàn bộ kể từ ngày 1/4, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn/ngày, gồm 5.000 - 6.000 con/ngày được giết mổ tại TP Hồ Chí Minh, 2.000 con/ngày (dạng thịt mảnh) được giết mổ tại các tỉnh đưa về, còn lại là thịt đông lạnh.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, sau 2 tháng triển khai (1/4 đến nay) việc ngưng các nhà máy giết mổ truyền thống để chuyển sang giết mổ công nghiệp, nhìn chung các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đã đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y với số lượng giết mổ ổn định. Tuy nhiên, các nhà máy vẫn chưa đạt yêu cầu về công suất thiết kế nên việc cung ứng thịt nóng cho thị trường cũng giảm nhẹ. 

Đẩy mạnh nâng công suất

 

Chú thích ảnh Lượng thịt lợn nóng được người dân TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khá lớn tại các chợ dân sinh.

UBND TP TP Hồ Chí Minh cũng đã chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công kể từ ngày 1/4 để chuyển sang giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, từ ngày 1/4, đã có 8 cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngưng hoạt động, gồm: Cơ sở giết mổ trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân); cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè); cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) được phép hoạt động với số lượng giết mổ bình quân 20 - 30 con/ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân huyện Cần Giờ của huyện theo Quyết định số 231/QĐ-UBND.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, hiện nay TP Hồ Chí Minh có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh; 1 cơ sở tại huyện Cần Giờ. Tổng công suất giết mổ của 5 nhà máy bình quân (tính từ ngày 1/4 đến ngày 8/6) khoảng 5.200-6.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn trên thị trường thành phố.

Mặc dù, 5 nhà máy giết mổ gia súc theo dây chuyền công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh được thiết kế 2.000-3.200 con/ngày, nhưng chỉ mới hoạt động được một nửa công suất. Cụ thể, tại huyện Củ Chi có Nhà máy giết mổ gia súc Lộc An, công suất giết mổ bình quân 900 - 1.000 con/ngày, tăng khoảng 20% so trước ngày 1/4 (công suất thiết kế 2.000 con/ngày); Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, công suất bình quân 50-80 con/ngày, tăng khoảng 45% so trước ngày 1/4 (công suất thiết kế 2.000 con/ngày); Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, công suất giết mổ bình quân 1.900-2.300 con/ngày, tăng khoảng 8% so trước ngày 1/4 của cơ sở giết mổ Xuyên Á (công suất thiết kế 3.200 con/ngày).

Sắp tới, để giải quyết tình trạng các cơ sở giết mổ công nghiệp chưa hoạt động hết công suất, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp. Sau khi tìm thêm đối tác, kí thêm các hợp đồng giết mổ mới, các nhà máy này sẽ nâng công suất theo thiết kế, từ đó đảm bảo nguồn cung thịt lợn nóng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh. 

Trong khi đó, theo đại diện các chủ lò giết mổ công nghiệp, các đơn vị cũng đang tìm kiếm các đối tác mới để thương lượng giá cả giết mổ hợp lý nhằm tăng công suất cho các cơ sở giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đối tác còn có tâm lý e ngại do sợ giá giết mổ công nghiệp cao hơn giá các sơ sở giết mổ thủ công nên một số đơn vị đã chuyển kí kết hợp đồng với các cơ sở giết mổ thủ công ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh. Do đó, hiện nay các đơn vị giết mổ công nghiệp đều đang giữ giá bằng giá thủ công và cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để các đối tác yên tâm hơn.

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần ưu tiên cung ứng thịt từ các nhà máy giết mổ công nghiệp" tại chuyên mục Bảo vệ NTD. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).